Sức khỏe online – Trên mạng xã hội ngày 31/10/2016 đang lan truyền câu chuyện “Bác sĩ nhậu ngay tại phòng làm việc”, trong đó phản ánh người nhà bị tai nạn giao thông bất tỉnh, đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Anh Sơn Nghệ An cấp cứu, nhưng bác sĩ tại đây “chỉ khám bằng cách vỗ vào má gọi”, sau đó “truyền một chai nước để cho người bị nạn tự tỉnh”.

Đến 11 giờ trưa hôm sau, người nhà thanh toán viện phí để chuyển ra Hà Nội, thì quay được cảnh bác sĩ ăn nhậu (uống bia). Đoạn clip đăng tải trên fanpage với lời bình luận “Cạn lời vì bị choáng với các bác sĩ ở đây”, ngay lập tức nhận được hàng ngàn lượt likes, chia sẻ và comments. Để có thông tin đa chiều, nhất là ý kiến của những nhà chuyên môn và những người trong cuộc, Phóng viên báo Suckhoedoisong.vn đã liên hệ với BVĐK huyện Anh Sơn Nghệ An để tìm hiểu thông tin sự việc.

Thực hư thế nào?

Theo đó, bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc BVĐK huyện Anh Sơn xác nhận, lúc 0 giờ ngày 25/10/2016, Khoa Cấp cứu bệnh viện tiếp nhận một nạn nhân bị tai nạn giao thông tên là Bùi Thị Thu, sinh năm 1988, ở Hà Đông (Hà Nội). Theo lời người đi cùng kể, người bệnh ngồi trên xe ô tô bị nổ lốp đâm vào taluy bên đường, sau tai nạn người bệnh ngất xỉu. Tình trạng bệnh nhân lúc vào viện gọi hỏi không trả lời, cấu má thấy phản xạ đúng, không có dấu hiệu thần kinh khu trú. Các dấu hiệu sinh tồn khác khi thăm khám đều trong giới hạn bình thường (mạch 90 lần/ phút, huyết áp 100/60 mmHg, thở 26 lần/ phút), các bộ phận khác không thấy dấu hiệu tổn thương điển hình.

Bác sĩ vỗ vào mã bệnh nhân

Nhân viên y tế nhậu trong phòng làm việc đã bị xử lý (ảnh cắt từ clip đăng tải trên mạng xã hội)

Bệnh nhân được chẩn đoán sơ bộ chấn động não, xử trí truyền dịch muối đẳng trương, tăng tuần hoàn não, theo dõi tri giác và diễn biến toàn trạng mạch, huyết áp, nhịp thở. Đến 8 giờ sáng ngày 26/10/2016 thì bệnh nhân tỉnh hoàn toàn, các dấu hiệu thăm khám chưa có biểu hiện tổn thương, nên bác sĩ tiếp tục cho nằm theo dõi đến 12 giờ 15 phút thì gia đình xin tự chuyển bệnh nhân ra Hà Nội để kiểm tra lại.

Về thông tin phản ánh trên mạng xã hội, bác sĩ cấp cứu bệnh nhân bằng cách truyền một chai nước để bệnh nhân tự tỉnh mà không tiến hành làm bất cứ điều gì, bà Hương đại diện cho phía bệnh viện có ý kiến: “Sau khi nhận được thông tin từ mạng xã hội, bệnh viện đã thành lập hội đồng chuyên môn xem xét lại sự việc cụ thể trên người bệnh đã thực hiện tại Khoa Hồi suc cấp cứu và thấy rằng, về quy trình chuyên môn trên bệnh nhân, các y bác sĩ đã thực hiện đúng, bệnh nhân được theo dõi sát, xử trí đúng phác đồ. Thái độ cấp cứu và phục vụ nhân viên y tế kịp thời, ân cần, không gây phiền hà cho người bệnh và gia đình”.

Kiểm điểm nhân viên y tế ăn nhậu trong giờ làm việc

Còn việc “Bác sĩ nhậu ngay tại phòng làm việc” như phản ảnh trên mạng xã hội, bà Hương cũng khẳng định là có. Bà Hương cũng cho biết “Bệnh viện đã kiểm tra  kỹ và thấy rằng có 03 nhân viên y tế là điều dưỡng của bệnh viện tổ chức ăn uống đang trong giờ nghỉ trưa, không có nhân viên y tế trực trưa. Thời điểm uống bia là 12h30 phút ngày 26/10/2016, đúng giờ nghỉ trưa (lịch làm việc của bệnh viện Sáng từ 07 h đến 11h30; chiều từ 13h30 đến 17h).

“Chúng tôi nhận thấy rằng việc cán bộ y tế uống bia tại phòng làm việc, trong giờ  nghỉ trưa là sai quy định. Hội đồng thi đua của đơn vị đã nghiêm túc làm việc, kiểm điểm rõ 03 cá nhân đã vi phạm quy định trên và đã thống nhất hình thức phê bình trước toàn thể cán bộ công chức, viên chức của đơn vị, xếp loại thi đua tháng 10 cho 03 cá nhân trên xuống loại B”, Bà Hương khẳng định.

Ý kiến của người trong ngành

Để độc giả có nhìn khách quan hơn về sự việc, phóng viên cũng liên hệ với Bác sĩ Trần Văn Phúc, BVĐK Xanh Pôn, được bác sĩ giải thích cho độc giả của báo hiểu về những tình huống xảy ra với nạn nhân bị tai nạn giao thông theo dõi chấn thương sọ não.

Tình huống 1: Bệnh nhân ngất ngay sau tai nạn, tỉnh lại hoàn toàn sau thời gian ngắn (thường từ 5 phút – 15 phút), sẽ được chẩn đoán sơ bộ là chấn động não. Bác sĩ chỉ cần theo dõi thêm lâm sàng, sau vài giờ có thể cho về hướng dẫn cách theo dõi. Nạn nhân được nhắc đến ở trên có thế gặp tình huống này và bác sĩ đã giữ lại theo dõi thêm là đúng.

Tình huống 2: Bệnh nhân tỉnh sau tai nạn, nhưng tri giác xấu dần rồi rơi vào hôn mê, sẽ được chẩn đoán máu tụ ngoài màng cứng. Bệnh nhân sẽ phải Mổ cấp cứu không trì hoãn, thời gian với người bệnh lúc này là vàng, bởi nếu xử trí chậm bệnh nguy cơ nhân tử vong rất cao. Trường hợp của bệnh nhân đến thời điểm ra viện không thuộc tình huống này.

Tình huống 3: Tri giác xấu ngay từ đầu, hôn mê ngay sau tai nạn, sẽ được chẩn đoán máu tụ nội sọ, dập não. Khi nhập viện cấp cứu, tùy theo tình trạng tổn thương mà các bác sĩ sẽ có cách xử trí khác nhau, đây là tình huống rất phức tạp.

Tình huống 4: Bệnh nhân li bì gọi hỏi không biết gì trong nhiều giờ, sau đó tỉnh lại hoàn toàn, thường gặp những người say rượu.  Bác sĩ sẽ khám tri giác, căn cứ vào đó để theo dõi diễn biến, khi bệnh nhân tỉnh hoàn toàn thì có thể cho về nhà hướng dẫn theo dõi tiếp.

Về việc các y bác sĩ  BVĐK Anh Sơn ăn nhậu có uống bia vào buổi trưa ngày làm việc, theo bác sĩ Phúc là sai. Bởi theo Chỉ thị Số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tại Điểm 3c quy định rất rõ, “nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực”. Cũng theo bác sĩ Phúc, có nhiều cán bộ công nhân viên chức nhà nước, không riêng gì ngành y, đã không biết quy định này. Việc uống rượu bia buổi trưa trong ngày làm việc không chỉ là hành vi không đẹp, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng công việc, rất dễ để lại những hậu quả tai hại cho xã hội, dù bất cứ ngành nghề nào…

Nguồn: suckhoedoisong