Sức khỏe online– TTƯT.PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh có liên quan tới thuốc lá và ô nhiễm môi trường. Đây là bệnh mạn tính ở phổi, kéo dài không thể hồi phục trở lại như bình thường.
khoi_bui

* Ngày 3/12/2016, BV Bạch Mai tổ chức khám và tư vấn miễn phí bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho người dân

Một trong những bệnh hô hấp mạn tính hay gặp phải ở người thường xuyên phải tiếp xúc khói, bụi là COPD. Theo TTƯT.PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, bệnh COPD là bệnh có liên quan tới thuốc lá và ô nhiễm môi trường. Đây là bệnh mạn tính ở phổi, kéo dài không thể hồi phục trở lại như bình thường. Sự suy giảm chức năng ở phổi nhanh hơn người bình thường, nếu không kiểm soát, nó sẽ tiến triển rất nhanh, thể hiện ở khả năng thở ra của mình.

Về vấn đề khó thở, người bệnh COPD cần lựa chọn công việc phù hợp để tránh bị khó thở khi gắng sức. Khó thở có thể dẫn tới kích thích đợt cấp của tắc nghẽn phổi mạn tính. Bên cạnh đó cần phải giữ gìn để không bị viêm. Nếu ở người bình thường, bị viêm phế quản 1-2 tuần chữa rất đơn giản và sẽ nhanh khỏi, nhưng nếu ở bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản có thể là yếu tố để tạo ra một đợt cấp. Và theo đó, khó thở sẽ tăng lên, thở rít, ho nhiều hơn, đờm nhiều hơn.

PGS. Nhung cũng khuyến cáo, người bệnh mắc COPD cần tập luyện phù hợp. Tiếp theo là dinh dưỡng, đảm bảo không béo quá nhưng cũng không suy dinh dưỡng. Tập thở sẽ là biện pháp giảm quá trình suy giảm hô hấp, tập luyện giúp tăng sức bền và duy trì sức khỏe, không cần tập quá sức nhưng phải tập đều. Đối với vấn đề dùng thuốc, nên theo sự chỉ định và phác đồ của bác sĩ, và nên có một cơ sở y tế theo dõi điều trị.

Khám miễn phí bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho người dân

Thông tin từ BV Bạch Mai cho biết, nhằm hưởng ứng ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu năm 2016 với chủ đề “Breathe in the knowledge – Thấu hiểu từng hơi thở”, trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án phòng chống Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản, ngày 3/12/2016, BV Bạch Mai tổ chức khám và tư vấn miễn phí bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho người dân khu vực Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Người dân tới khám sẽ được các bác sỹ của Trung tâm Hô hấp của BV khám nội khoa, đo lưu lượng đỉnh kế, đo chức năng hô hấp, phát thuốc miễn phí cho các đối tượng mới được chẩn đoán mắc Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đưa vào chương trình quản lý ngoại trú.

Những đối tượng đến khám là người dân trên 40 tuổi và có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau: Hút thuốc lá, thuốc lào trên 10 năm; Trực tiếp đun bếp (than, củi, rơm, rạ) trên 30 năm; Tiếp xúc khói, bụi, hóa chất nghề nghiệp; Khó thở nặng dần theo thời gian; Ho liên tục nhiều tháng, nhiều năm; Thường xuyên khạc đờm vào buổi sáng…

Người dân có thể đăng ký theo số điện thoại: (04) 3.629.1207; 0972.463.203 (liên hệ trong giờ hành chính). Email: duanbenhphoi@gmail.com để đặt lịch khám.

 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 12,6 triệu người trên thế giới tử vong vì ô nhiễm môi trường, tức là cứ 4 người chết thì có 1 người tử vong do hậu quả của việc sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm.

Tại Việt Nam, một kết quả đo và phân tích chỉ số không khí (AQI) trên địa bàn Hà Nội đầu tháng 10/2016 cho thấy, nhiều nơi tại thủ đô chất lượng không khí rất kém, do nồng độ bụi trong không khí cao, vượt mức cho phép, được xếp vào nhóm “rất không tốt cho sức khỏe” và nên hạn chế tiếp xúc. Điều này làm cho người dân thủ đô và dư luận rất lo ngại. Các chuyên gia y tế cảnh báo, con người sống trong môi trường bị ô nhiễm sẽ dẫn tới các căn bệnh nguy hiểm như các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, các bệnh về mắt hay thậm chí cả căn bệnh ung thư. WHO cho biết, mỗi năm có 1,4 triệu người chết vì mắc bệnh hô hấp mạn tính do ô nhiễm môi trường; 2,5 triệu người tử vong vì đột quỵ hay 1,7 triệu người chết vì ung thư đều có nguyên nhân do môi trường ô nhiễm.

Nguồn: Sức khỏe đời sống

Sức khỏe online – Cứ 7 em bé thì có một sống ở vùng không khí ngoài trời ô nhiễm đến mức độc hại, theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc công bố ngày 31/10.

Báo cáo này của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố một tuần trước Hội nghị Quốc tế về Biến đổi khí hậu COP22 sẽ diễn ra tại Marrakesh, Morocco.

Báo cáo Làm trong sạch không khí cho trẻ  em lần đầu tiên sử dụng các ảnh chụp vệ tinh cho thấy số lượng và nơi sinh sống của trẻ phải tiếp xúc với không khí ngoài trời bị ô nhiễm vượt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hình ảnh vệ tinh cho thấy khoảng 2 tỷ trẻ em sống ở vùng có không khí ngoài trời bị ô nhiễm. Nguyên nhân do khí thải của phương tiện giao thông, nhiên liệu hóa thạch, bụi và đốt rác, vượt quá tiêu chuẩn chất lượng không khí tối thiểu.

A boy runs through the smoke of burning garbage near the Niger River in Bamako, Mali on December 9th, 2012.

A boy runs through the smoke of burning garbage near the Niger River in Bamako, Mali on December 9th, 2012.

Đông Á có số lượng trẻ em lớn nhất sống ở các khu vực bị ô nhiễm này, khoảng 620 triệu, sau đó là Châu Phi. Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương có khoảng 450 triệu trẻ sống trong khu vực bị ô nhiễm trên mức cho phép.

Nghiên cứu này cũng khảo sát sự ô nhiễm nặng của không khí trong nhà, thường do sử dụng than và củi để nấu ăn hay sưởi ấm. Tình trạng này thường xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và ở vùng nông thôn.

Cũng theo báo cáo này, trên thế giới cứ 7 trẻ thì có gần một em sống ở vùng có không khí ngoài trời ô nhiễm đến mức độc hại, tức khoảng 300 triệu trẻ. Ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời có liên quan trực tiếp đến viêm phổi và các bệnh đường hô hấp khác, là nguyên nhân gây tử vong cho 1/10 trẻ dưới 5 tuổi. Ô nhiễm không khí trở thành một trong những nguy cơ hàng đầu cho sức khỏe của trẻ.

“Ô nhiễm không khí là yếu tố chính góp phần gây tử vong cho khoảng 600.000 trẻ dưới 5 tuổi hàng năm, đe dọa tính mạng và tương lai của hàng triệu trẻ khác hàng ngày”, ông Anthony Lake, Giám đốc Điều hành UNICEF cho biết.

Theo ông, những chất gây ô nhiễm không những làm tổn hại đến sự phát triển phổi của trẻ mà còn vượt qua hàng rào máu não và gây tổn thương vĩnh viễn cho sự phát triển của não bộ, do đó ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Không một xã hội nào có thể trả nổi cái giá cho việc làm ngơ trước ô nhiễm không khí.

Trẻ dễ bị tổn thương hơn người lớn bởi ô nhiễm không khí vì phổi, não và hệ miễn dịch của các em vẫn còn đang trong thời kỳ phát triển và đường hô hấp có thể thẩm thấu qua được. Trẻ nhỏ thở nhanh hơn người lớn, mà hít nhiều không khí hơn so với trọng lượng cơ thể các em.

UNICEF kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động khẩn cấp để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các quốc gia bằng cách giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đầu tư vào hiệu quả năng lượng và các nguồn nhiên liệu có thể thay thế được. Những nguồn gây ô nhiễm như nhà máy không nên đạt ở gần trường học và nơi vui chơi của trẻ. Sử dụng nguyên liệu sạch để nấu ăn có thể giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà.

“Chúng ta bảo vệ con em nếu bảo vệ chất lượng không khí. Cả hai đều là trọng tâm của tương lai loài người”, ông Lake nhấn mạnh.

Nguồn: Phương Trang